Tết Nguyên tiêu là tết gì? Tưng bừng lễ hội người Hoa ở Chợ Lớn
Mục lục
Được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, Tết Nguyên tiêu của cộng đồng người Hoa ở quận 5, Chợ Lớn có gì đặc sắc? Cùng tìm hiểu nguồn gốc, ý nghĩa và các hoạt động diễn ra xuyên suốt lễ hội lớn nhất năm này.
1. Tết Nguyên tiêu là tết gì?
Tết Nguyên tiêu là một ngày lễ lớn có nguồn gốc từ Trung Quốc. Nguyên tiêu (元 宵) có nghĩa là đêm rằm đầu tiên của năm mới. Trong đó, “Nguyên” mang hàm ý thứ nhất, “Tiêu” nghĩa là đêm. Vì vậy, Tết Nguyên tiêu còn được biết đến với tên gọi khác là Rằm tháng Giêng.
Tết Nguyên tiêu là ngày nào? Tết Nguyên tiêu bắt đầu từ giữa đêm 14 tháng Giêng đến hết ngày 15 tháng Giêng (Âm lịch).
Ngoài ra, Tết Nguyên Tiêu còn được gọi là Tết Thượng Nguyên, nhằm phân biệt với 2 dịp rằm lớn khác là Tết Trung Nguyên (Rằm tháng Bảy), Tết Hạ Nguyên (Rằm tháng Mười).
2. Nguồn gốc và ý nghĩa của Tết Nguyên tiêu
2.1. Sự tích Tết Nguyên tiêu
Có nhiều lý giải khác nhau về nguồn gốc của Tết Nguyên tiêu. Trong đó, đa phần tài liệu cho rằng Tết Nguyên tiêu bắt nguồn từ những sự tích của Trung Quốc và có nhiều phiên bản khác nhau.
Có người kể rằng vua Hán Văn của Trung Hoa lên ngôi vào đúng ngày Rằm tháng Giêng nên hằng năm cứ đến ngày này, vua lại ra khỏi cung để chung vui với dân. Chữ đêm (dạ) trong cổ ngữ Trung Hoa được đọc là “tiêu”, đây còn là đêm rằm đầu tiên của năm nên vua Hán Văn gọi ngày này là ngày tết Nguyên tiêu.
Có nhiều tài liệu lại cho rằng Tết Nguyên tiêu bắt nguồn từ thời Tây Hán, Trung Quốc với câu chuyện về nàng cung nữ Nguyên Tiêu. Mỗi khi xuân về, nàng nhớ nhà nhưng không thể ra cung thăm gia đình. Đông Phương Sóc - một viên sủng thần của Hán Vũ Đế – đã thương cảm trước tấm lòng cung nữ. Ông tung tin rằng Hỏa thần sẽ thiêu rụi thành Trường An, và đưa ra kế sách là vua và hoàng tộc nên lánh nạn ngoài cung, trong khi trong cung sẽ được treo đầy lồng đèn giả cảnh lửa cháy lừa Hỏa thần.
Hán Vũ Đế đã chấp thuận kế sách này và từ đó, vào ngày Rằm tháng Giêng hằng năm, nhà nhà đều treo đèn lồng. Phong tục này được lưu truyền rộng rãi qua nhiều thế hệ, lan rộng đến Việt Nam. Tuy Tết Nguyên tiêu ở nước ta có đôi phần biến tấu khác biệt so với Trung Quốc, nhưng đây vẫn là một ngày lễ lớn rất quan trọng.
Đặc biệt, ở những nơi có đông cộng đồng người Hoa sinh sống như Chợ Lớn, Hội An, lễ hội trăng rằm có nhiều hoạt động đặc biệt. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngày và đêm rằm Tháng Giêng thường được cộng đồng người Việt gốc Hoa tổ chức ở khu Chợ Lớn, quận 5 và dân gian có câu thành ngữ "Giao thừa ra quận Nhất, Nguyên tiêu về quận 5".
Tham gia tour tìm hiểu văn hóa tín ngưỡng của người Hoa Chợ Lớn >>
2.2. Ý nghĩa của Tết Nguyên tiêu
Nếu Tết Nguyên đán là cái tết chủ yếu về gia đình, tổ chức tại nhà, từ đường của dòng họ thì Tết Nguyên tiêu lại là cái tết của cộng đồng, được tổ chức chủ yếu tại các hội quán (chùa Ông, chùa Bà), là cơ sở tín ngưỡng truyền thống của cộng đồng có từ lâu đời.
Dịp rằm tháng Giêng cũng là một dịp lễ quan trọng đối với Phật giáo, nổi tiếng với câu nói “Cúng quanh năm không bằng Rằm tháng giêng” hay “Lễ Phật quanh năm không bằng ngày Rằm tháng giêng”. Vào ngày này, các gia đình sẽ cùng nhau đi chùa, bày mâm cỗ cúng để tỏ lòng thành kính với Phật và tổ tiên của mình, đồng thời, cầu mong may mắn, phước lành.
Đối với người Hoa, đây là một lễ hội hoa đăng, họ sẽ thả đèn lồng cầu nguyện cho năm mới bình an. Trong khi đó, ở Việt Nam, vào dịp này, các Phật tử khắp nơi sẽ đi chùa lễ Phật nhằm cầu mong gia đạo bình an.
3. Tết Nguyên tiêu của người Hoa ở Chợ Lớn
Sau Tết Nguyên Đán, người Hoa ở quận 5, Chợ Lớn lại náo nức tổ chức một lễ hội hoành tráng nhất năm: Tết Nguyên tiêu.
Đặc biệt, từ năm 2020, Tết Nguyên tiêu của người Hoa Chợ Lớn chính thức được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Hàng năm, có hàng nghìn người đổ về khu vực quận 5 để tham gia vào lễ hội đặc sắc này.
3.1. Lịch trình các hoạt động Tết Nguyên tiêu ở quận 5
Tết Nguyên tiêu diễn ra trên toàn địa bàn quận 5, tập trung tại các hội quán, kéo dài từ ngày 10 tháng giêng đến hết tháng giêng, trong đó các hoạt động cộng đồng tập trung chủ yếu từ ngày 12 đến 18 tháng giêng, lễ chính vào ngày rằm.
Nhiều hoạt động đặc sắc được tổ chức long trọng như: diễu hành nghệ thuật đường phố, trò chơi dân gian, gian hàng ẩm thực, viết thư pháp, v.v... Lễ hội này hàng năm thu hút đến hàng vạn người tham gia, không chỉ người dân địa phương, mà kể cả du khách thập phương cũng nô nức kéo về.
3.2. Hình ảnh Tết Nguyên tiêu ở quận 5
Năm 2023, quận 5 đã tổ chức vô cùng hoành tránh lễ hội Tết Nguyên tiêu. Mời bạn cùng chiêm ngưỡng những hình ảnh sau:
Diễu hành đường phố đặc sắc với sự tham gia của 1.200 diễn viên:
Biểu diễn lân sư rồng trong Tết Nguyên tiêu - Ảnh: Chu Du
Đoàn diễu hành di chuyển từ đường Hải Thượng Lãn Ông qua Châu Văn Liêm, Lão Tử, Lương Nhữ Học, Nguyễn Trãi, Trần Xuân Hoà và kết thúc tại Trung tâm Văn hoá Quận 5.
Các diễn viên hóa trang thành những nhân vật quen thuộc của người Hoa như Bát Tiên, Tề Thiên, Tam Tạng, Phúc - Lộc - Thọ, v.v... - Ảnh: Chu Du
Người dân và du khách nô nức chụp ảnh.
Tại các hội quán, người dân tấp nập đến cầu phúc, cầu bình an:
Dâng hương cầu phúc ở Chùa Bà.
Nghi thức chui qua bụng ngựa thần “Mã đầu tướng quân” cầu may mắn trong Tết Nguyên tiêu ở Nghĩa An hội quán.
Nếu có dịp đến quận 5 vào dịp Rằm tháng Giêng, bạn chớ quên tham dự Tết Nguyên tiêu nhé! Đây là dịp để bạn tìm hiểu về văn hóa của cộng đồng người Hoa Chợ Lớn và cùng trải nghiệm những tập tục, nếp sinh hoạt đặc trưng của họ, cũng như lưu giữ cho mình những bức ảnh tuyệt đẹp!
Nếu muốn tìm hiểu sâu hơn về những tập tục và văn hóa tín ngưỡng của người Hoa ở Chợ Lớn, bạn có thể tham gia tour tự túc cùng ứng dụng OnTripquest:
Kim Ngọc Mãn Đường - Vàng Bạc Đầy Nhà
- Chiêm bái các vị thần tài.
- Đánh tiểu nhân.
- Ăn món ăn may mắn.