Tháp cổ Bình Thạnh: Ngôi tháp nghìn tuổi cổ xưa ở Tây Ninh
Mục lục
Bạn có biết tháp cổ Bình Thạnh là một trong những công trình kiến trúc cổ xưa nhất ở Việt Nam? Hãy đọc bài viết để khám phá những điều thú vị về tháp cổ này.
1. Giới thiệu về tháp cổ Bình Thạnh
Tháp Bình Thạnh nằm phía hữu ngạn sông Vàm Cỏ Đông, tọa lạc tại ấp Bình Phú, xã Bình Thạnh, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh, là một trong những kiến trúc tháp cổ quý hiếm, tồn tại gần như nguyên vẹn, tiêu biểu cho kiến trúc thuộc hậu nền văn hóa Óc Eo, có niên đại xây dựng khoảng thế kỷ VIII.
Di tích kiến trúc tháp Bình Thạnh đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa vào năm 1993. Đây là một trong những ngôi tháp cổ hiếm hoi ở Nam Bộ còn nguyên vẹn. Vì vậy, kiến trúc đền tháp Bình Thạnh đã trở thành di sản kiến trúc quý giá và hiếm có của dân tộc.
2. Kiến trúc tháp cổ Bình Thạnh
Nền tháp hình vuông, tháp cao 10m, mỗi cạnh 5m, các cạnh được xây dựng đúng bốn hướng. Cửa chính mở về hướng Đông, trước mặt là một bàu "hình vuông", ba mặt Tây – Nam – Bắc đều có cửa "giả" được đắp nổi các hoa văn, trang trí tinh xảo.
Cửa chính hướng Đông được xây dựng nổi ra khỏi "khung" cửa bằng bốn tấm đá nguyên khối được chạm khắc, mài dũa các góc cạnh. Một tấm nằm ngang ở phía dưới, hai tấm có hai lỗ tròn ở hai bên để gắn "quay" cánh cửa, và một tấm nằm ngang ở phía trên tạo thành một khung cửa đá chắc chắn, rộng 1 m, cao 2 m.
Trên mặt ngoài tháp ở cửa chính hướng Đông có một phiến đá to, hình chữ nhật cao 0.80 x 2 m được chạm nổi hoa cúc cách điệu trên "mi cửa", hai bức tường bên cửa chính cũng có hai mảng phù điêu được đắp nổi.
Những hoa văn, phù điêu trang trí hình hoa lá, thần linh... được thiết kế tinh xảo quanh tháp.
Do cửa chính và ba cửa "giả" đều nổi ra ngoài, kết hợp với các mô típ trang trí được xây lớp lớp lên tới đỉnh tháp, làm cho toàn bộ ngôi tháp có góc, cạnh, và các bức phù điêu được đắp nổi quanh ngôi tháp giúp cho toàn bộ công trình tháp là một kiến trúc công phu và vững chãi.
Tháp cổ Bình Thạnh được xây dựng bằng gạch với kỹ thuật tương tự như ở các đền tháp Chăm ở miền trung Việt Nam. Các viên gạch liên kết với nhau mà không cần một chất kết dính nào.
Tháp đã được trùng tu lớn vào năm 1998, dù vậy công trình này vẫn còn nhiều chỗ bị hư hỏng, gạch bong tróc, bị ăn mòn.
Không gian bên trong tháp tương đối nhỏ, thờ biểu tượng sinh thực khí Linga và Yoni.
Kiến trúc phía trên tầng mái nhìn từ bên trong tháp với những viên gạch được xây theo hình vuông, chụm lại ở đỉnh tháp.
Tổng thể kiến trúc khu vực này gồm ba tháp chính. Tuy nhiên hai tháp còn lại chỉ còn dấu tích. Ngôi tháp giữa với phần nền còn sót lại ngổn ngang. Tháp còn lại chỉ còn xác định được phần nền tháp.
Cạnh tháp là đình Bình Thạnh, được xây dựng năm 1995. Hệ thống đền tháp ở Tây Ninh chứng minh nơi đây là địa bàn phát triển và nối tiếp từ văn hóa Đồng Nai đến văn minh Óc Eo cho tới khi người Việt đặt chân đến vào thế kỷ XVII.
3. Thời điểm thích hợp đến tháp cổ Bình Thạnh
Thời gian từ tháng 12 năm trước đến tháng 4 năm sau là thời điểm lý tưởng để đến nơi đây. Thời gian này ở Tây Ninh nắng ráo, nên khá thích hợp để tham quan.
Do tháp cổ là địa điểm tham quan ngoài trời nên du khách lưu ý đi vào khoảng sáng sớm hoặc chiều để tránh trời nắng.
4. Lộ trình đến tháp cổ Bình Thạnh
Để đến tháp cổ, từ thành phố Tây Ninh đi theo quốc lộ 22B tới trung tâm huyện Gò Dầu, rồi hỏi đường đến ngã ba ấp Voi sau đó đi theo huyện lộ 784.
Lưu ý ở đây không có bảng chỉ dẫn. Vì vậy bạn cần quan sát kỹ trên đường đi nếu thấy bảng “Di tích lịch sử văn hóa” thì tức là bạn đã đến gần khu tháp cổ.
5. Lưu ý khi đến tháp cổ Bình Thạnh
- Nên đến tham quan vào sáng sớm hoặc chiều để tránh nắng.
- Nên mang nón, thoa kem chống nắng.
- Chỉ nên tham quan, chụp ảnh, tránh chạm vào di tích để đề phòng hư hại.
- Nên mặc trang phục tông màu ấm, theo phong cách thổ dân hoặc cổ điển để tạo hiệu ứng đẹp khi chụp ảnh. Đặt máy lấy góc từ thấp lên cao để thu trọn ảnh tháp cổ trong khung hình.
- Không được vẽ, viết lên tháp.
- Không xả rác.
Tháp cổ Bình Thạnh là một di tích lịch sử đáng tự hào của miền đất thánh Tây Ninh. Hy vọng qua bài viết này, bạn đã có thêm nhiều kiến thức và cảm nhận về tháp cổ. Hãy ghé thăm tháp cổ khi có dịp nhé.
Các trải nghiệm độc lạ ở Tây Ninh:
Bí mật Tòa thánh Tây Ninh
- Viếng thăm một kỳ quan kiến trúc của Việt Nam và là một công trình đáng kinh ngạc của châu Á!
- Khám phá những công trình trọng điểm và đẹp nhất trong Vùng Đất Thánh và giải mã những bí ẩn sau mỗi vật thể.
- Tìm hiểu vì sao đạo Cao Đài - một tôn giáo xuất phát từ Việt Nam lại có thể thu hút đến hàng triệu tín đồ trên khắp thế giới.
- Cảm nhận những nguồn năng lượng tích cực bên trong Tòa Thánh và nạp đầy năng lượng cho bản thân.
Truy tìm báu vật núi Bà Đen
- Viếng thăm quần thể các chùa linh thiêng nhất núi Bà Đen.
- Thử thách thể lực khi phải leo qua hàng trăm bậc thang để chiêm bái các chùa.
- Thưởng ngoạn phong cảnh tuyệt đẹp của Tây Ninh từ trên cao.
- Tìm hiểu về quá trình hình thành, lịch sử và văn hóa của vùng đất này.